Theo phong thủy nhà ở, khu vườn chính là bộ đệm giữa thiên nhiên và ngôi nhà, là chiếc cầu nối giữa các yếu tố tự nhiên và nhân tạo vì vậy yếu tố phong thủy cần được hiểu và xây dựng từ đây.

phong-thuy-nha-o

1. Tứ Tượng: Huyền Vũ, Chu tước, Thanh Long, Bạch Hổ

Theo phong thủy, thì ngôi nhà được coi như một chủ thể chính, quanh nó là những hình thế đại diện của các yếu tố ngoại quan bổ trợ và đem lại các nguồn năng lượng. Các yếu tố này được hình tượng hóa bởi các tên gọi đại diện cho Tứ Tượng trong truyền thuyết nền văn hóa Trung Hoa đó là Thanh Long (rồng xanh), Bạch Hổ (hổ trắng), Chu Tước (chim lửa), Huyền Vũ (mai rùa, đuôi rắn). 4 yếu tố này phân bố trong khu vườn quanh ngôi nhà nằm 4 phía theo nguyên tắc sau: Chu Tước là phía trước, Thanh Long bên trái, Bạch Hổ bên phải, Huyền Vũ phía sau. Mỗi yếu tố có các tính chất đại diện tượng hình riêng của mình và nên áp dụng như sau:

Với khoảng vườn sau nhà ứng với Huyền Vũ, ta nên đặt vật khí bằng đá có các dây leo chung quanh, đó đồng thời cũng chính là “kháo sơn” trong phong thủy, là điểm tựa vững chắc cho ngôi nhà.

Với các khoảng vườn 2 bên trái phải ứng với Thanh Long và Bạch Hổ, tùy theo hướng sinh khí của đường vào phía trước để thiết kế sao cho Thanh Long hoặc Bạch Hổ vươn dài ra đón lấy hướng sinh khí theo nguyên tắc tụ thủy.

Với cổng vào: nếu điều kiện mảnh vườn cho phép, nên đặt một khóm cây, chòi nghỉ hay tốt nhất là non bộ sau cổng vào trước cửa nhà ứng với tượng Chu Tước. Đây cũng chính là “án sơn” hay “triều sơn” của khu vườn. Khi đó, đường vào nên chạy quanh Chu Tước, tránh chiếu thẳng từ cổng vào của nhà.

Về hình thế của khu vườn nên tuân theo nguyên tắc Phía sau cao, phía trước thấp, hai bên rào không nên quá cao. Tường rào phía sau nên cao hơn tường rào phía trước, độ cao của cây cối cũng nên chú ý theo nguyên tắc này.

2. Ngũ hành và âm dương

Bên cạnh các quan niệm về hình thế, khi thiết kế khu vườn cũng nên chú ý về các nguyên tắc lý khí.. Một khu vườn hài hòa cần đạt được mục tiêu “tàng phong, tụ thủy” khí là thứ không nhìn thấy được nhưng khí luôn đi cùng với thủy, thủy là thứ dễ dàng nhận biết, khi thủy tụ ở đâu là khí nằm ở đó. Muốn đạt được điều đó, phải phối hợp hài hòa các yếu tố ngũ hành và âm dương.

a. Ngũ hành: gồm các yếu tố Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Tùy theo hình thế căn nhà và tuổi của chủ nhân mà bố trí các yếu tố ngũ hành sao cho phù hợp.

– Kim được đại diện bởi những vật như rào sắt, đèn chiếu, xích đu, bàn ghế khung sắt

– Mộc vốn đã là cây cối, ngoài ra có thể bổ sung cho yếu tố. Mộc bằng các vật phẩm như tượng gỗ, sàn gỗ. vật liệu có hình dáng trụ cao…;

– Thủy là hành quan trọng nhất trong vườn cảnh, yếu tố thủy nên nằm chính yếu ở vị trí Chu Tước là các vòi phun nước, phun sương phong thủy, bể cảnh, hồ bơi, hồ cá, ngoài ra do là vườn cảnh, Thủy có thể nằm ở rất nhiều nơi thậm chí chạy quanh nhà dưới dạng ống dẫn, vòi phun di động, suối giả, kênh, mương… khi hành Thủy được bố trí tốt có thể vừa khắc chế được những điểm thiếu sót của các hành khác vừa tạo được cảnh quan dễ chịu trong ngôi nhà.

– Hỏa: hành Hỏa là hành khó thể hiện trong khu vườn, thường được bổ khuyết bằng các lò bếp ăn, lò nướng, vật chiếu sáng, hoặc được hình tượng bằng những vật mang tính Thổ hoặc Kim, nên tránh hành Hỏa ở phía sau nhà và cần được đặt hài hòa theo hướng gió.

– Thổ: giống với hành Mộc, Thổ nằm trong tất cả khu vườn, đó là đất đá, hòn non bộ, tượng, phù điêu, ngoài ra khi muốn tăng thêm yếu tố Thổ ta có thể để những khoảng trống trên đó chỉ có một lớp cỏ mỏng, vừa tạo được điểm “nhấn – buông” trong khu vườn, vừa tạo được không gian sinh hoạt cho trẻ nhỏ.

b. Âm – Dương gồm có: Thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương, mỗi khái niệm này đại diện cho nhiều cung bậc trong đời sống và cả nhân sinh quan.

Dương: là đại diện cho mặt trời, những gì lồi ra, cao lên, được chiếu sáng, có ánh sáng, những vật đặc vật đầy đặn, cho người cha, cho con trai…v.v.

Âm: là đại diện cho mặt trăng, những gì lõm, trũng, tối, những vật rỗng, cho người mẹ, người con gái…

Ngoài ra do vạn vật luôn luôn biến đổi, có những vật tuần hoàn khi này khi khác, nên phải có thiếu âm, thiếu dương. Khi áp dụng nguyên tắc âm dương một cách hài hòa ta sẽ được một khu vườn như một chỉnh thể toàn vẹn hài hòa với thiên nhiên.

VD: những nơi quá sáng sẽ được điểm xuyết bóng râm, đó là dùng thiếu âm điều chỉnh thái dương, những góc ban đêm quá tối sẽ được bố trí đèn chiếu hay giữa hồ cá có một hòn đảo non bộ nhỏ đó là dùng thiếu dương bổ khuyết thái âm. Một khu vườn hoàn chỉnh âm dương sẽ tạo cảm giác thư thái phù hợp cho mọi lứa tuổi, mọi thành viên trong gia đình cả trẻ em và người già, cả chủ nhà cũng như khách khứa.

Tư vấn thiết kế phong thủy sân vườn tiểu cảnh theo hướng

Những điều cấm kỵ về phong thủy sân vườn