Cùng phongthuyphuongdong tìm hiểu về kinh phật và Thần Chú Đại Bi.

kinh-phat
Tại sao Thần Chú Đại Bi không được phiên dịch?

Kinh Hoa Nghiêm nói: “Tâm như người họa khéo, vẽ vời cảnh thế gian”. Cảnh đời vui khổ đã do hành vi lành dữ phát sanh từ tâm niệm của loài người. Muốn làm dịu bớt thảm trạng ngày nay, mỗi người phải tự tu tỉnh, ăn năn, niệm Phật, niệm Quán Thế Âm hoặc thọ trì mật chú nữa. Xem kinh Quán Âm Đại Bi Tâm Đà Ra Ni, chúng ta thấy những công đức an vui, thoát khổ rất cần thiết đối với hiện cảnh ngày nay.

Theo trong Hiển Mật Viên Thông, người tu Chân ngôn về sắc trần cần phải rõ rệt, như quán nước phải ra nước, quán lửa phải ra lửa, chớ không thể khác được. Riêng về thinh trần thì dù tiếng tăm đọc tụng có trái với Phạn Âm đôi chút cũng không sao, miễn có lòng tin tưởng chí thành là được công hiệu. Vì thế, từ trước đến nay, hàng Phật tử ở Trung Hoa cho đến Việt Nam, khi đọc tụng chú, thật ra đều trái với chánh âm, song vẫn cảm được oai thần công đức không thể nghĩ bàn. Vậy người học Phật, muốn trì chú, đừng lấy điểm này làm hoài nghi, mà mất phần lợi ích.

Lại từ trước đến nay, chú ngữ không phiên dịch vì 5 duyên cớ:

1. Vì tâm niệm bí mật nên không phiên dịch

Như chúng sanh dùng tâm yên lặng, tin tưởng, thành kính mà niệm chú, tất sẽ khế hợp với chân tâm của Phật, Bồ Tát mà được cảm ứng. Nếu biết nghĩa lý thì dễ sanh niệm phân biệt, cho đoạn này nghĩa như vầy, đoạn kia nghĩa như thế, kết cuộc vẫn ở trong vòng vọng tưởng, làm sao thông cảm với Phật tâm ?

2. Vì nghĩa lý bí mật nên không phiên dịch

Trong một chữ chân ngôn có nhiều nghĩa, nếu dịch nghĩa này thì mất nghĩa kia. Không được toàn vẹn. Thí dụ, riêng một chữ A đã hàm súc những nghĩa như bất sanh, bất diệt, không, căn bản, chân thể, và nhiều nghĩa khác nữa.

3. Vì danh tự bí mật nên không phiên dịch

Nhiều chữ trong chân ngôn, hoặc chỉ cho danh hiệu Phật, Bồ Tát, Thiên, Long, Quỷ Thần, như chữ Hồng gồm 4 chữ Hạ, A, Ô, Ma hiệp thành, chỉ cho chủng tử của chư thiên. Hoặc có thứ ở phương này không có, như danh từ Diêm Phù thọ chẳng hạn.

4. Vì âm thanh bí mật nên không phiên dịch

Các chữ chân ngôn có khi diễn tả âm thanh của tiếng gió reo, nước chảy, tiếng loài chim kêu, đọc lên có sức linh động, nên để nguyên âm. Thí dụ: câu tô rô tô rô là chỉ cho tiếng lá cây ở cõi Phật rơi xuống. Hoặc như chữ Án, đọc lên có năng lực thầm kín, làm rung chuyển không gian. Hay như chữ Ta Bà Ha có sức truyền cảm như một sắc lịnh. Lại có nhiều danh từ nguyên chữ Phạn sẵn từ trước đến nay, vì thuận theo xưa, nên không dịch ra.

5. Vì sự sanh thiện bí mật nên không phiên dịch

Như danh từ bát nhã, người đọc lên sanh lòng tin tưởng, phát ra niệm lành, nếu dịch là trí huệ thì sanh lòng khinh thường, không quí trọng.

Trên đây là những nguyên nhân vì sao chú ngữ không dịch ra, chớ chẳng phải là không có ý nghĩa. Người học Phật phải nên xét nghĩ, chớ vội theo chỗ thấy hiểu cạn hẹp của mình, sanh lòng khinh mạn mà mang tội.

Bài liên quan:

Nghi thức tụng Chú Đại Bi

Chú giải Chú Đại Bi (P1)

Chú giải Chú Đại Bi (P2)

Chú giải Chú Đại Bi (P3)

Chú giải Chú Đại Bi (P4)