Theo kinh phật thì tam nghĩa là là ba, quy là trở về, quy y Tam Bảo là trở về nương tựa ba ngôi báu: Phật bảo, Pháp bảo và Tăng bảo.

kinh-phat
Lợi ích và ý nghĩa của việc Quy y Tam Bảo

 

Theo phong thủy, nghi thức quy y Tam Bảo: Phải có những lễ phẩm như đèn hoa, trái cây, tâm thành kính lễ bái sư. Nơi quy y: Có thể là một ngôi chùa, có thể là tư gia. Tuy nhiên chùa là nơi quy y hợp lý hơn.

Khi đã quy y rồi thì nên biết rằng chùa nào cũng là chùa chung cho mọi người tu tập. Vị Sư là ngón tay chỉ cho quý vị thấy mặt trăng. Vị sư không phải mặt trăng. Do đó quý vị nên tự mình thưởng thức vẻ đẹp của mặt trăng, nó tròn sáng, lung linh, huyền ảo hay rực rỡ như thế nào chứ đừng ngắm ngón tay dài hay ngắn, đẹp hay xấu.

Quy y Phật pháp là nương vào Tam bảo để tu tập. Cổ nhân có câu: ‘’Y pháp bất y nhơn’’. Tức là dựa vào pháp để tu sửa tâm tính, không dựa vào con người nhất định nào. Đối tượng quy y là quy y Phật, Pháp, Tăng.

1. Tại sao quy y Phật?

Quy y Phật vì Phật là một người đã giác ngộ thực sự thấy được chân lý. Chân lý và lời giải của ngài có thể giúp chúng ta hết khổ. Ta có thể tự hào Đức Phật là một vị vua đã giác ngộ. Suốt cuộc đời Ngài phục vụ cho chúng sanh. Từ địa vị là một ông vua, Ngài cắt ngang tình yêu mãnh liệt của phụ hoàng, gỡ cánh tay bám víu của hiền thê, rời bỏ đứa con thơ mới mở mắt chào đời còn nằm bên lòng mẹ. Con người anh hùng chí khí đó đã ra đi với tất cả ý nghĩa của sự thoát ly mà sự thoát ly đó vẫn còn vang dội cho đến ngày hôm nay. Tất cả chúng ta ngồi đây là chịu ảnh hưởng của sự xuất gia thoát ly của Đức Phật.

2. Tại sao Quy y Pháp?

Quy y Pháp vì giáo Pháp của Đức Phật có khả năng giúp ta bớt khổ, thực tập lời dạy của Ngài giúp ta giải thoát được phiền não. Tạp chí Phật giáo Nguyên thủy số 8 có trích đăng thông điệp của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Moon gởi cho đại lễ Phật Đản Vesak trên thế giới: ‘’ Đức Phật, sự Đản sinh, Thành đạo và nhập Niết bàn của Ngài được chúng ta kỷ niệm mỗi năm vào ngày rằm tháng tư Vesak, đã để lại cho nhân loại kho tàng giáo lý rộng sâu và kho tàng giáo lý ấy có thể định hướng cho những nổ lực giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay.

Lời huấn thị của Ngài chống lại ba thứ độc hại, đó là Tham lam, Sân hận và Si mê. Lời huấn thị ấy có thể khơi dậy những cuộc hội đàm đa phương về sự đói kém đang ảnh hưởng đến gần một tỷ người trong thế giới giàu có của chúng ta, về sự bạo lực đầy thú tính, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm, và về sự tàn phá môi trường một cách vô tội vạ, gây nguy hại cho ngôi nhà duy nhất của chúng ta, là trái đất mà chúng ta đang sinh sống.’’

Chúng ta thấy Đức Phật và giáo pháp của ngài quá vĩ đại. Lời dạy của Phật có thông điệp chuyển tải tinh thần từ bi quá lớn cho nhân loại, phát huy trí tuệ từ bi chánh kiến cho nhân loại. Giáo Pháp của ngài là văn hóa lớn cho nhân loại, là tinh thần bất bạo động nên Hội Đồng IOC hằng năm tổ chức Lễ Vesak Tam Hợp trên thế giới quy tụ các truyền thống Phật giáo đến tham dự. Pháp có hai, Pháp học và pháp hành, nên chúng ta Quy y Pháp là quy y Pháp học và quy y Pháp hành. Pháp học là có 84 ngàn pháp môn, những khuôn vàng thước ngọc của phật thuyết giảng trong suốt 45 năm. Pháp hành là tinh hoa lời phật dạy, người hành theo có khả năng giác ngộ, chấm dứt khổ đau, giác ngộ giải thoát, không còn sanh tử luân hồi.

3. Tại sao Quy y Tăng?

Tăng tiếng Pali gọi là Sangha, nghĩa là đoàn thể tăng già, đệ tử của đức Phật. Tăng có hai hạng Thánh tăng và Phàm tăng. Thánh tăng là những vị đã chứng đắc quả vị từ Tu Đà huờn đến Ala hán. Phàm Tăng là những vị đang tập tành tu học để đạt đến đạo quả giải thoát. Các ngài vừa tu vừa hướng dẫn bá tánh đi theo đúng con đường giác ngộ của Chư phật, hình ảnh của các ngài là mô phạm quần sanh, là phước điền của chư thiên và nhân loại. Do đó quy y tăng là để khẳng định niềm tin của chúng ta với phật pháp trong kiếp này, từ đó tiếp tục tu hành đúng chơn lý dưới sự hướng dẫn của hàng xứ giả Như lai, đó là nhân tố tốt để gặp phật trong tương lai.

4. Lợi ích của việc Quy y

Người nào quy y Phật, lạy Phật, tán dương đức Phật thì có phước báu lớn. Có phước lớn thì có thể có địa vị cao trong xã hội ví dụ như làm chủ tịch, giám đốc. Nếu đi tu thì làm pháp chủ, làm trụ trì, làm tăng thống.

Quy y Pháp, lạy Pháp, cúng dường Pháp Bảo, ấn tống kinh sách thì có phước trí tuệ. Cho nên người nào thấy mình không sáng suốt, học ít thì ráng ấn tống kinh sách băng giảng cho nhiều để được phước trí tuệ.

Quy y Tăng thì có phước giàu sang bởi Tăng là phước điền của chúng sanh. Vì sao? Vì quy y Tăng chúng ta gần gũi học phật pháp và bố thí, mà bố thí là nguyên nhân phát sanh phước giàu sang.

Thời đức Phật còn tại thế, có ông Cấp cô Độc sau khi quy y Phật đã tìm đất cúng cho Phật làm chùa. Ông cúng chừng hai ba chục mẫu để xây dựng Kỳ Viên Tịnh Xá. Mỗi ngày ông thỉnh 500 vị sư để bố thí, cúng dường đến nỗi chư thiên ở trong nhà ông ganh tỵ vì họ có tâm bỏn xẻn. Có vị chư thiên đã khuyên ông Cấp cô Độc thôi đừng làm phước nhiều quá tài sản dễ bị cạn kiệt. Nhưng ông Cấp cô Độc lúc bấy giờ đã chứng quả Tu Đà Hườn bèn nói: “ Tôi có tâm thí mà ông không đồng tâm với tôi thì ông làm ơn đi ra khỏi nhà tôi”. Vị chư thiên bị đuổi ra khỏi nhà ông Cấp Cô Độc bèn lang thang gặp vua trời Đế Thích van xin, nói hộ ông Cấp cô Độc dùm và xin cho được ở lại trong nhà ông. Vua trời Đế Thích nói với vị chư thiên này rằng: ‘’ Tội nhà ngươi đáng chết, dám xúc phạm với vị thánh đệ tử phật, thôi thì tôi có lời khuyên: Ông hãy dùng thần thông thu gom tài sản lại cho ông Cấp cô Độc đã thất thoát nhiều năm bởi động đất, mưa bão v.v… nay đã trôi ra biển cả, sông ngòi. Thu gom về đem để vào kho của Ông Cấp Cô Độc. Làm xong việc đó, ông về xin sám hối và có thể ông hoan hỷ cho ở lại tiếp. Vị chư thiên làm đúng như lời Vua trời Đế Thích dặn nên có hiệu quả, vị chư thiên hoan hỷ quá.’’.

Vậy nên bố thí hợp đạo, phước sẽ tăng trưởng. Người có quy y Tam bảo, tà ma không bao giờ dám quấy nhiễu, bùa ngãi không bao giờ làm tổn hại được. Người quy y đọc nhiều lần câu: Con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng thì không tà ma nào xâm hại được.

Nghi thức tụng Kinh Vô Lượng Thọ

Tại sao Thần Chú Đại Bi không được phiên dịch?

Nghi thức tụng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát