Theo kinh phật, Người Phật tử đã thật sự quy y Tam bảo cả Sự lẫn Lý, đúng theo ý nghĩa quy y, thì bảo đảm người đó hiện đời sẽ không đọa vào tam đồ ác đạo…

kinh-phat

Hỏi: Trong kinh phật nói: quy y Phật bất đọa địa ngục, quy y Pháp bất đọa ngạ quỷ, quy y Tăng bất đọa bàng sanh. Người Phật tử sau khi quy y, không còn đọa vào các loài nầy nữa, tức không đọa vào Tam đồ, tất nhiên sẽ sanh vào cảnh giới an vui. Như thế, thì tại sao người Phật tử sau khi chết lại thỉnh chư Tăng Ni tụng kinh cầu siêu? Như vậy có chống trái hay không?

Đáp: Theo quà tặng cuộc sống, thật ra không có gì là chống trái. Trong kinh nói về Tam quy y ở trên, không có nghĩa là ám chỉ cho con người sau khi chết mới không bị sa đọa. Nếu chúng ta hiểu như thế, mới là chống trái lại với ý kinh. Kinh nói rất rõ. Muốn hiểu được nghĩa lý trên, chúng ta cần phải hiểu rõ về ý nghĩa của từng câu một.
Tại sao quy y Phật không đọa vào địa ngục? Quy y có nghĩa là trở về nương tựa, còn Phật nghĩa là giác ngộ, sáng suốt. Như vậy quy y Phật, nghĩa là trở về nương tựa với một bậc giác ngộ sáng suốt. Qua câu nầy, nếu chúng ta chỉ hiểu đơn sơ ở phần sự tướng bề ngoài, thì không đúng. Bởi vì, hiện tại có lắm người sau khi quy y Tam Bảo rồi , họ tạo nghiệp bất thiện như cướp của, giết người v.v… Họ lại bị bắt nhốt trong lao ngục. Như thế, thì ta thử hỏi tại sao họ đã quy y Tam Bảo rồi mà họ còn phải bị đọa như vậy? Đó có phải là vì họ chỉ quy y suông, chớ họ không có gìn giữ giới cấm hay thật sự trở về với Phật.

Một người, sau khi quy y Tam Bảo, chỉ cần biết nương theo Tam Bảo thế gian, rồi cố gắng làm lành theo những lời Phật dạy, thì làm gì có xảy ra cảnh tù tội giam cầm. Đó là nói quy y theo nghĩa cạn cợt hình tướng mà còn được lợi ích như thế, hà tất gì quy y ở nơi phần lý tánh. Cho nên, người phật tử khi quy y phải biết quy y có hai phần: “Sự quy y và Lý quy y”.

Ý nghĩa trong kinh nói về Tam quy ở trên, không phải nói về Sự quy y mà nói về Lý quy y. Lý quy y là sao? Lý là lý thể, tức chỉ cho phần tánh giác sáng suốt của mỗi người sẵn có. Mỗi người chỉ cần trở về nương tựa (đấy là một cách nói theo ngôn ngữ) với tánh giác sáng suốt, thì làm gì có rơi vào địa ngục. Bởi địa ngục là nơi tối tăm (nghĩa đen) nghĩa bóng là chỉ cho tâm hồn của chúng ta bị phiền não cấu nhiễm nổi lên làm bức bách khó chịu. Đó là trạng thái bị rơi vào địa ngục. Hễ có tối tăm, thì không có sáng suốt, hay ngược lại cũng thế.
Còn ngạ quỷ là loài quỷ đói, do nhân bỏn xẻn mà có ra cái quả đau khổ đó. Nếu một người đã thật sự trở về nương tựa với chánh pháp, với tánh thể bình đẳng, trải rộng lòng từ bi thương yêu muôn loài, không có tâm keo kiết bỏn xẻn, luôn giúp đỡ cho mọi người thoát khổ được vui. Người có tâm như thế, thì làm gì đọa vào loài quỷ đói
Còn súc sinh cũng thế, một tâm hồn si mê u tối, sống không có luân thường đạo đức, không phân biệt phải trái, tốt xấu, hành động càn bướng, đó là nếp sống của loài súc sinh. Ngược lại, người có tâm hồn sáng suốt thanh tịnh, sống theo chân lý, không chút tà tâm sái quấy, thì làm gì đọa vào súc sinh hay bàng sinh.

Nói tóm lại, người Phật tử đã thật sự quy y Tam bảo cả Sự lẫn Lý, đúng theo ý nghĩa quy y, thì bảo đảm người đó hiện đời sẽ không đọa vào tam đồ ác đạo như đã nói ở trên. Đã thế, thì sau khi họ chết, có cầu siêu hay không, không thành vấn đề. Vì hiện đời họ đã siêu rồi, tức họ đã vượt qua cảnh giới khổ đau rồi. Nhân đã như thế, thì quả cũng phải như thế. Không thể quả trái ngược lại nhân. Cho nên việc cầu siêu đó, chẳng qua làm theo lệ thường tình mà thôi. Như vậy, có cũng tốt mà không có cũng chẳng sao. Hiểu như vậy, thì không có gì là chống trái cả.