Cách xem ngày Trùng tang – Thiên di – Nhập mộ. Dân gian Á Đông xưa rất quan tâm đến nghi thức an táng cho người vừa mới mất. Người xưa cho rằng người ruột thịt vừa mất có ảnh hưởng tốt, xấu tới những người thân cùng huyết thống đang sống.

xem-ngay-trung-tang

Theo xem tu vi, gặp giờ, ngày sinh tốt, xấu ảnh hưởng tới vận mệnh bản thân còn gặp giờ chết xấu, tốt ảnh hưởng tới con cháu. Đồng thời quan niệm dân gian cho rằng người chết vẫn luôn quanh quẩn phù hộ độ trì cho cháu con nhưng gặp phải ngày giờ chết xấu hay gặp thần trùng thì ngược lại, hồn lại về “bắt” con cháu. Song điều đó có thể “hóa giải” được nhờ việc xem ngày chọn giờ làm các việc liên quan đến tang lễ. Do vậy, từ xưa đến nay, ngoài việc xem thân nhân chết có “phạm giờ” không dân ta luôn chú ý nhờ thầy hay tự tính, tự xem giờ “Nhập mộ”, phòng “Trùng tang” nhằm trấn trùng, hóa giải.

1- Khái niệm về Trùng tang:

Theo kinh nghiệm, cổ nhân cho rằng trong thực tế, với mỗi người chết sẽ xảy ra các trường hợp như sau:

– Thiên di: nếu ở Cung : Tý – Ngọ – Mão – Dậu : là dấu hiệu có sự di dời hình thức tồn tại do trời định, là lúc “trời” đưa đi. Dự báo con cháu sẽ phải chia ly, tài sản phân tán, tranh chấp kiện tụng.

– Nhập mộ: khi gặp Cung : Thìn – Tuất – Sửu – Mùi. Là dấu hiệu phải “ra đi”, “nằm xuống” vĩnh viễn, không còn liên quan gì đến trần ai. Thể hiện sự an lành, yên nghỉ. Chỉ cần một “nhập mộ” của tuổi hoặc tháng, ngày giờ là được coi là tốt. Dự báo vong chết không phạm trùng tang, mãn kiếp sa bà, con cháu làm ăn thịnh vượng, phát tài , sai lộc.

– Trùng tang : nếu gặp các Cung: Dần – Thân -Tỵ – Hợi, Là dấu hiệu “ra đi” không hợp số phận, không dứt khoát, hãy còn “ảnh hưởng” tới trần ai. Dự báo sẽ có người thân chết theo. Theo quan niệm xưa, nếu gặp phải trùng tang mà không có “nhập mộ” nào thì cần phải mời người có kinh nghiệm làm lễ “trấn trùng tang”.

Như vậy, “Trùng tang là tình trạng trong thời gian chưa mãn Đại Tang, hoặc chưa mãn tang bà con gần, lại tiếp theo 1 cái đại tang hoặc 1 cái đại tang gần khác”. Hoặc có thể gọi trùng tang là tang chủ phải mang ít nhất 2 vòng khăn tang trong cùng một thời điểm. Trong nhà, người thân vừa nằm xuống lại có nguy cơ liên táng là đáng lo ngại. Dân gian cho rằng trùng tang là người qua đời gặp ngày giờ xấu, cần hoá giải để tránh nguy cơ.

Trong đó:

– Trùng tang ngày là nặng nhất (Tam xa-7 người chết theo),
– Trùng tang Tháng là nặng nhì (Nhị xa-5 người chết theo),
– Trùng tang Giờ là nặng thứ ba (Nhất xa-3 người chết theo),
– Trùng tang Năm là nhẹ nhất.

2 – LƯU Ý KHI TÍNH, XEM NGÀY NHẬP MỘ, XEM NGÀY TRÙNG TANG:

Sách Tam giáo Chính Hội viết: “Nam nhất Thập khởi Dần, thuận liên tiến, Nữ nhất Thập khởi Thân, nghịch liên tiến, Niên hạ sinh Nguyệt, Nguyệt hạ sinh Nhật, Nhật hạ sinh Thời. Ngộ Tý – Ngọ – Mão – Dậu Thiên di. Dần – Thân – Tỵ – Hợi Trùng tang. Thìn – Tuất – Sửu – Mùi Nhập mộ cát dã”. Nếu được Tứ nhập mộ thì tránh được trùng tang.

Điểm khởi đầu và thứ tự bấm Cung của Nam và Nữ khác nhau:

* Nam giới: Từ cung Dần khởi thuận chiều kim đồng hồ tính theo thứ tự Dần – Mão – Thìn – Tỵ – Ngọ – Mùi – Thân – Dậu – Tuất – Hợi – Tý – Sửu. Nghĩa là: 10 tuổi tại cung Dần, tiếp 20 tuổi tại Mão, 30 tại Thìn, 40 tại Tỵ, Ngọ: 50 tuổi, Mùi: 60 tuổi, Thân: 70 tuổi, Dậu: 80 tuổi, Tuất: 90 tuổi…

* Nữ giới: Từ cung Thân khởi đi theo chiều ngược kim đồng hồ, theo thứ tự sau: Thân – Mùi – Ngọ – Tỵ – Thìn – Mão – Dần -Sửu – Tý – Hợi – Tuất – Dậu. Nghĩa là : 10 tuổi vào cung Thân, tiếp cung Mùi: 20 tuổi, cung Ngọ: 30 tuổi, cung Tỵ: 40 tuổi, cung Thìn: 50 tuổi, Mão: 60 tuổi, Dần: 70 tuổi, Sửu: 80 tuổi, Tý: 90 tuổi…

* Đồng thời cứ được 1 Nhập mộ trở lên là yên tâm, vì “nhất mộ sát tam trùng” (một Nhập mộ xoá được 3 Trùng tang). Hoặc được 2 Thiên di thì cũng không lo vì “nhị thiên di sát nhất trùng” (2 Thiên di xoá được 1 Trùng tang).

3- CÁCH TÍNH, XEM NGÀY NHẬP MỘ:

Có 4 bước tính theo thứ tự: Năm-Tháng-Ngày-Giờ:

– Niên nhập mộ: khởi đầu 10 tuổi từ Dần với đàn ông theo chiều Thuận chiều kim đồng hồ; đàn bà khởi đầu từ Thân và Ngược chiều kim đồng hồ. Khi hết tuổi tròn chục các năm lẻ tính vào cung tiếp theo đến tuổi năm người đó mất. Nếu vào cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là được năm nhập mộ.

– Nguyệt nhập mộ: tháng Giêng năm mất được bấm liền vào sau cung tuổi cho đến tháng chết. Nếu gặp cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là được tháng nhập mộ.

– Nhật nhập mộ: mồng Một tháng mất được bấm liền vào sau cung tháng cho đến ngày chết. Nếu gặp cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là được ngày nhập mộ.

– Thời nhập mộ: giờ Tý ngày mất được bấm liền vào sau cung ngày cho đến giờ chết. Nếu gặp cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là được giờ nhập mộ.

Theo tu vi , Nếu cả năm, tháng, ngày, giờ đều vào một trong các cung Thìn, Tuất, Sửu, Mùi là được “Tứ nhập mộ”, tốt, tránh được lúc chết vướng phải giờ xấu.

4- CÁCH TÍNH, XEM NGÀY TRÙNG TANG:

Có 2 cách tính Trùng tang:

– Thứ Nhất, Trùng tang có thể là thời gian lúc mất, trùng năm (như người tuổi Dần mất năm Dần), trùng ngày (như người tuổi Sửu mất ngày Sửu), trùng giờ (như người tuổi Ngọ mất giờ Ngọ).

– Thứ Hai, là cách tính Trùng tang theo Địa Chi giống như tính Nhập mộ kể trên.

Lập Bảng sau dễ nhớ và theo 4 bước:

* Đầu tiên tính tuổi chết theo chẵn chục (10, 20…) khi hết tuổi chẵn tính tiếp các tuổi lẻ theo thứ tự 1,2,3…đến tuổi mất, tính đến đâu thì ghi lại cung đó;

* Sau đó tính tiếp đến tháng chết vào cung ngay sau cung tính năm, khởi từ tháng Giêng, ghi lại cung đó;

* Rồi tính tiếp đến ngày chết vào cung ngay sau cung tính tháng khởi từ ngày mùng 1, ghi lại cung đó;

* Sau cùng đến giờ chết vào cung ngay sau cung tính ngày khởi từ Tý, ghi lại cung đó. Chú ý giờ âm lịch chỉ chia một ngày ra 12 giờ: Tý (23-01 giờ), Sửu (01-03 giờ)…Hợi (21-23 giờ).

5- Tổng hợp chung:

Nếu căn cứ vào phép tính Trùng tang như trên thì cả nam và nữ những người chết mà có tuổi âm lịch (=năm Dương lịch hiện tại – năm sinh theo Dương lịch + 1) bằng: 10, 13, 16, 19, 22, 25, 28, 31, 34, 37, 40, 43, 46, 49, 52, 55, 58, 61, 64, 67, 70, 73, 76, 79, 82, 85, 88, 91… sẽ rơi vào trùng tang. Từ đó quy nạp ngược lại theo hệ Can Chi thì những người có tuổi:

– Tý, Ngọ, Mão, Dậu nếu chết vào một trong các năm TÝ, NGỌ, MÃO, DẬU thì rơi vào trùng tang;

– Hoặc: Dần, Thân, Tỵ, Hợi nếu chết vào một trong các năm DẦN, THÂN , TỴ, HỢI thì rơi vào trùng tang;

– Thìn, Tuất, Sửu, Mùi nếu chết vào một trong các năm THÌN – TUẤT – SỬU – MÙI có nghĩa là chết vào các năm “xung” (tứ hình xung) sẽ bị trùng tang.